Aug 2, 2011

Learn E: Đằng sau thế giới mộng mơ Oxford

Aug 2, 2011

Cuối tuần rảnh rỗi tôi theo chân một người bạn đã từng học Oxford về lại thăm trường xưa của bạn ấy. Sau một ngày dạo quanh các trường học ở đây, tôi về lại London náo nhiệt với vài ấn tượng mới về những gì mắt thấy tai nghe về Đại học Oxford mộng mơ.

Hôm nay xin đăng bài này trên blog Tiếng Anh bên ly cà phê để chia sẻ cùng các bạn.

Đại học Oxford mộng mơ
Một góc bên ngoài thư viện Bodleian, Đại học Oxford.
Có thể có nhiều người ở Việt Nam hay lầm tưởng đại học Oxford là một trường đại học tráng lệ, danh tiếng, cổ kính và xinh đẹp bên Anh quốc. Thế nên tôi xin đính chính ngay từ đầu là Đại học Oxford chỉ là cơ chế 'chóp bu' bên trên chuyên lo về giáo trình học, tổ chức thi cử, cấp bằng, v.v. cho các trường hoặc trực thuộc, hoặc độc lập tự quản bên dưới.
Còn các trường thuộc quản lý của Đại học Oxford thì tiếng Anh gọi là 'college'. Hiện theo thông tin trên trang web chính thức của Đại học Oxford thì có tổng cộng 38 trường 'college' khác nhau thuộc Đại học này.
Nhiệm vụ của các 'college' là tuyển sinh, đào tạo, và tổ chức đời sống sinh hoạt cho sinh viên của mình theo mô hình giáo dục đào tạo nội trú, kết hợp song song giữa hai yếu tố sinh hoạt (living) và học tập (learning) ngay tại trường.
Mô hình này xuất phát từ lịch sử lâu đời của Đại học Oxford - đại học lâu đời nhất của các nước nói tiếng Anh - kể từ khi Đại học này được thành lập vào khoảng cuối thế kỷ thứ 12 bởi các nhóm thầy trò thuộc tầng lớp tăng lữ tu sĩ thời đó.
Trong vòng khoảng 200 - 300 năm đầu, mục tiêu chính của các trường là đào tạo ra các vị linh mục, tu sĩ. Chỉ đến khoảng thế kỷ thứ 15 thì các trường này mới bắt đầu thu nhận con em thuộc dòng dõi quý tộc địa chủ giàu có.
Và mãi đến tận thế kỷ thứ 18, các trường 'college' này vẫn dạy chủ yếu hai môn học truyền thống chính là tôn giáo và luật.
Để tổ chức thực hiện được các mục tiêu giảng dạy, sinh hoạt theo mô hình trên, các trường 'college' tại Oxford xây dựng mô hình sư phạm của mình trên ít nhất là ba yếu tố chính như sau:
Thứ nhất là tính 'collegiate', nghĩa là kết hợp giữa việc dạy, học, và sinh hoạt với nhau. Sinh viên sinh hoạt nội trú, ở trong các ký túc xá (hall), ăn ở phòng ăn tập thể (dining hall), cầu nguyện trong các nhà nguyện (chapel), đọc sách, tra cứu trên thư viện (library), trao đổi, thảo luận trực tiếp với thầy hướng dẫn (tutor) trong phòng làm việc của thầy qua những buổi học gọi là 'tutorial' trong khuôn viên trường của mình. Ngoài giờ học, sinh viên có thể chơi các môn thể thao, đi bộ, chèo thuyền giải trí quanh khuôn viên trường 'college' của mình.
Thứ hai, việc giảng dạy được thực hiện chủ yếu qua các buổi 'tutorial', thường được thực hiện hàng tuần, theo đó thầy hướng dẫn gặp riêng sinh viên của mình để trao đổi, thảo luận về các ý tưởng, lập luận trình bày trong bài luận (essay) của sinh viên ấy. Các giảng đường đầy kín sinh viên không phải là mô hình giáo dục chính tại đây.

Vóc dáng một người thầy Oxford.
Thứ ba, viết luận văn (essay writing) là một phần tất yếu của đời sinh viên Oxford. Các học giả Oxford từ ngàn xưa đã phải làm quen với việc viết luận văn về chủ đề nào đó. Để viết được một bài luận cho ra hồn và đáng để trao đổi với thầy hướng dẫn trong các buổi tutorial thì các sinh viên phải học cách suy nghĩ độc lập, tìm ý tưởng viết bài, đọc nhiều sách vở tham khảo để tìm lập luận bảo vệ cho quan điểm - lập trường của mình, rồi phải ngồi viết ra, và cuối cùng là phải chuẩn bị trình bày trước thầy về đề tài đó.
Thực tế đời sinh viên Oxford
Nhìn trên bề mặt nhiều người có thể nghĩ Đại học Oxford là một thế giới học vấn trong mơ.
Thế nhưng người bạn của tôi đã 'đánh thức' tôi khỏi giấc mơ đó qua các câu chuyện học hành căng thẳng thời còn đi học ở đây.
Bạn ấy nói trừ khi bạn là thần đồng và có thể lĩnh hội được nhanh chóng các bài đọc và bài viết theo yêu cầu của thầy hướng dẫn, phần lớn các sinh viên Oxford còn lại phải học, đọc, viết, và trải qua các kỳ thi rất căng óc.
Để giải tỏa tâm lý, sau khi hoàn thành xong các kỳ thi, các sinh viên ùa ra đường và rải pháo bông ăn mừng. Những sinh viên nào đã đủ tuổi uống 'chất có cồn' (21 tuổi) thì sẽ vào quán rượu 'ăn nhậu' xả hơi cùng bạn bè.
Viết luận văn đòi hỏi tập trung công sức đến mức bạn ấy cũng không có thời gian để thưởng lãm những điều kiện vui thú khác như chèo thuyền, đi bộ trong rừng, đi picnic trong công viên thong thả như bây giờ.
Và bạn ấy cũng không có thời giờ để nhận ra hết vẻ đẹp cổ kính của các trường college, những thánh đường được trang trí tỉ mỉ để tôn vinh Thượng Đế, hay ngay cả vẻ đẹp đơn giản của bức tường phủ đầy rêu xanh và dây thường xuân nữa.
Thế đấy các bạn ạ, cái gì cũng có cái giá của nó. Đó là triết lý tôi và người bạn cụng ly bia lạnh với nhau tại một quán rượu được mở ra từ thời thế kỷ thứ 14. Logo của quán làm tôi phì cười: 'An Education in Intoxication' - tạm dịch là Giáo dục môn Rượu chè Say xỉn. À, rất có thể đấy là một phần của giáo dục tại Oxford ngày nay.

0 comments:

Post a Comment

 
Diễn đàn thông tin 41D2 © 2011 | Designed by RumahDijual, in collaboration with Online Casino, Uncharted 3 and MW3 Forum